Điểm sáng nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước
Từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh Bắc Giang Khóa XIX đến hết năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 23 nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh kịp thời ngay sau khi nghị quyết được ban hành. Đến nay, các nghị quyết triển khai cơ bản hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã có bước phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm nghiệp và thủy sản 4 năm liên tục đều tăng trưởng cao (năm 2020 đạt 6,7%; năm 2021 đạt 4,28%; năm 2022 đạt 2,0%; năm 2023 đạt 2,63%). Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn có liên kết đứng tốp đầu cả nước như vải thiều, cây có múi, sản xuất gỗ nguyên liệu, đàn lợn, đàn gà. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Có được kết quả trên, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do có sự quan tâm ban hành kịp thời các nghị quyết của HĐND tỉnh về nông nghiệp, nông thôn. Quá trình xây dựng các nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức các hội nghị TXCTchuyên đề tại các địa phương để khảo sát, xin ý kiến tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi ban hành. Các nghị quyết sau được ban hành được các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh luôn bám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung bảo đảm chính sách được phù hợp, phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Bố trí đủ, kịp thời nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (thời tiết, dịch bệnh, thị trường...), diện tích đất sản xuất còn manh mún, việc tích tụ đất đai còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính, khoa học kỹ thuật hiện đại đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Có trường hợp, việc triển khai thực hiện nghị quyết khó khăn do Trung ương thay đổi các quy định, hướng dẫn; một số nghị quyết trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn do nội dung không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, phải sửa đổi, bổ sung…
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, từ những kết quả đã đạt được và những khó khăn vướng mắc nêu trên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ bước đầu xây dựng nghị quyết cần tổ chức khảo sát thật kỹ nhu cầu từ thực tiễn, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng trực tiếp tác động của nghị quyết bảo đảm trình tự thủ tục và các bước theo quy định.
Sau khi nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, cần được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí đủ kịp thời nguồn lực hàng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chủ trì triển khai thực hiện. Đây là khâu rất quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết hiệu quả cao.
Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Cơ quan được giao chủ trì thực hiện sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết. Tăng cường giám sát, nắm bắt kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, thiếu sót, bất cập; sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ để nghị quyết được thực thi có hiệu quả cao nhất. Cơ quan được giao chủ trì định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút ra những mặt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, xem xét đề nghị HĐND bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp bảo đảm nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả.